Lễ hội Gầu Tào là lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông ở Hà Giang, được diễn ra vào khoảng từ ngày mùng 3 đến ngày15 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Lễ hội Gầu Tào được mở ra với ý nghĩa là cúng tạ trời đất, núi sông đã ban cho con người sức khoẻ, con cái, tài lộc, con cái học hành, công tác thành đạt và mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Lễ hội cũng là dịp để người người gặp gỡ, vui chơi; là cơ hội để mọi người thi thố tài năng, như: thi các làn điệu dân ca giao duyên, các điệu múa khèn… Lễ hội mang lại cho mọi người tinh thần phấn chấn bước vào một năm mới làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, gặp nhiều may mắn hơn năm qua. Bắt đầu lễ hội là Lễ dựng cây nêu. Thầy cúng cùng gia đình hay đại diện làng bản đứng ra tổ chức lễ hội sẽ làm lễ dựng cây nêu (là cây mai cao vút ngọn để lá phần ngọn và trang trí thêm các hình nhân và các hoa văn xung quanh bằng nhiều màu xanh, đỏ, tím, vàng) thông báo cho dân bản gần xa biết về tham dự chung vui.
Sau khi sợi chỉ màu được căng quanh cột cây nêu và khi trưởng lễ hát bài dựng cây nêu thì phần hội được bắt đầu với các cuộc vui chơi, ca hát, thi thố tài năng. Ngoài những trò chơi dân gian như đánh yến, đua ngựa, đánh cù… còn có những trò chơi mang tính nghệ thuật như múa khèn, thổi sáo, thi hát đối đáp. Sau 3 đến 5 ngày diễn ra lễ hội, khi lá trên ngọn cây nêu đã rụng hết, cũng là lúc đồng bào làm lễ hạ cây nêu, kết thúc lễ hội.
Lễ hội Gầu Tào của người Mông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012.
(Trích: Tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục, dùng trong các trường THPT tỉnh Hà Giang)